ĐÌNH LONG BÌNH - DẤU ẤN KIẾN TRÚC TRUYỀN THỐNG GIỮA LÒNG THÀNH PHỐ TRÀ VINH
Đình Long Bình được khởi công xây dựng vào năm 1803 (năm Quý Hợi) bởi dòng họ Trần và chính quyền ấp Long Bình. Ban đầu, đình được dựng bằng vật liệu đơn sơ như tre, lá, với kết cấu gồm 3 phần chính: Võ ca, Chính điện và khu Ẩm thực.
Đình thờ Quan Bố Chánh Trần Trung Tiên, một vị thần có công với vùng đất Trà Vinh thời khai khẩn phương Nam. Vào năm 1852, vua Tự Đức đã ban sắc phong Thần cho đình, được lưu giữ đến ngày nay.
Qua hơn 220 năm, đình là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân trong vùng, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong hai cuộc kháng chiến:
Thời kháng chiến chống Pháp: Đình là nơi họp dân, tổ chức hoạt động cách mạng. Nhiều hương chức đình tham gia kháng chiến, như ông Trần Văn Chánh (Chánh bái đình, được công nhận liệt sĩ), ông Phan Văn Đại, ông Trần Văn Chính, ông Phan Văn Mười.
Thời kháng chiến chống Mỹ: Đình tiếp tục là nơi họp dân, hoạt động bí mật của cách mạng. Ông Phan Văn Mười – chánh bái đình – là cơ sở mật. Vào năm 1968 và 30/4/1975, đình là nơi đặt Ban chỉ huy tiền phương và Trạm sơ cứu thương binh của lực lượng cách mạng xã Long Đức và thị xã Trà Vinh.
Đình đã được trùng tu lớn ba lần: năm 1929, 1961, và 2000. Đặc biệt, vào đầu năm 2023, đình được đại trùng tu toàn diện.
Được lấy từ nguồn:: "Nguyễn Hữu Quí - Hội Nông dân phường 4, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh"
Nhà Võ Ca rộng rãi, thoáng mát, thích hợp cho việc tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật dân gian, giao lưu văn hóa cộng đồng.
Với hệ mái cong mang đặc trưng đình chùa Việt Nam, công trình tạo ấn tượng thị giác nhờ những đường hoa văn chạm khắc tinh xảo, hệ cột vững chãi cùng tông màu nâu đỏ trầm ấm.
Công trình này là minh chứng sống động cho sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, mang lại sự bình an và cảm hứng cho mỗi người khi bước chân vào không gian linh thiêng này.